Ảnh: vietnamplus.vn
1. Phát triển tài năng trẻ nghệ thuật: một số yếu tố đặc thù
Tài năng vốn là tố chất đặc biệt, nổi trội của con người. Lĩnh vực nào, nghề nào cũng có những người trẻ tuổi tài cao. Tuy nhiên, trong các loại tài năng thì có lẽ tài năng nghệ thuật là đặc biệt hơn cả. Thông thường, tài năng nghệ thuật được di truyền qua các thế hệ “cha truyền con nối”; nhờ truyền thống gia đình tài năng lộ diện và được nuôi dưỡng ngay từ tấm bé, càng lớn lên tài năng càng được phát triển nhờ được gia đình định hướng, được học hành đúng với sở trường.
Đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật không hoàn toàn giống đại đa số lực lượng lao động của các ngành nghề khác trong xã hội, họ học tập, rèn luyện, làm việc trong một môi trường khá khác biệt, đó là môi trường nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và năng lực cá nhân cần có sự quan tâm đặc biệt. Nếu như để đào tạo cùng một lúc hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư, thợ lành nghề thì chỉ cần 3-5 năm, thời gian đào tạo của một bác sĩ chuyên khoa lâu nhất cũng mất 8 năm, nhưng để có được một tài năng nghệ thuật thì cần hàng chục năm, vài chục năm, mà có khi vẫn không thể thành tài với đúng nghĩa của nó. Nói như vậy để thấy những người được gọi là tài năng nghệ thuật là số ít, là hiếm hoi.
Tài năng nghệ thuật trước hết phải có tư chất bẩm sinh, nhưng chỉ có năng khiếu bẩm sinh thôi thì chưa đủ. Để tài năng phát triển đúng hướng và đạt tới trình độ điêu luyện, các mầm non nghệ thuật rất cần được đào tạo bài bản, cùng với đó, bản thân cá nhân phải tự thân khổ luyện, không ngừng rèn giũa, mới có thể thành tài và đóng góp cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật có giá trị.
Đến nay, trong giới làm nghề nghệ thuật vẫn truyền miệng câu “Thày già, con hát trẻ”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng là một sự đúc kết vô cùng cô đọng, súc tích, nói lên tính đặc thù nghề nghiệp của ngành Nghệ thuật, chủ yếu trong nghệ thuật biểu diễn (đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu và ca hát). Theo tôi biết, câu “Thày già, con hát trẻ” được đúc kết bởi các nghệ nhân nghệ thuật truyền thống từ xa xưa và tôi thấy “công thức” này không chỉ đúng thời xưa, mà thời nào cũng đúng! Cái nghề này cần có nhiều “thày già”, hàm ý là “già” về sự trải nghiệm, sự tinh thông nghề nghiệp, về kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo đã tích lũy được qua nhiều năm tháng sống chết với nghề... Cùng với đó, như một quy luật tự nhiên, nghệ thuật biểu diễn luôn cần sự trẻ trung, tươi mới, sung sức và đẹp đẽ, có thế mới cuốn hút được người xem. Nghệ sĩ trẻ, tài năng, lại được những người thày giỏi, dày dặn kinh nghiệm tận tâm dìu dắt, truyền nghề thì nhất định sẽ thành công.
Được đào tạo bài bản trong các nhà trường văn hóa nghệ thuật là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để tài năng được phát huy và thăng hoa. Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... đó là những yếu tố rất quan trọng, có tác động quyết định tới sự thành bại của người nghệ sĩ. Nếu tác động tích cực thì đây là bệ đỡ, là chất xúc tác giúp cho nghệ thuật thăng hoa, tài năng nở rộ; ngược lại, nếu là tác động tiêu cực, thì đó là rào cản, có sức mạnh làm lụi tàn tài năng, thậm chí giết chết mọi sáng tạo nghệ thuật...
Nói tóm lại, tài năng nghệ thuật có những đặc thù riêng, khác biệt với các nghề nghiệp khác. Để một tài năng nghệ thuật có thể phát triển tốt và cống hiến cho cho xã hội các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân ấy, rất cần có những chính sách phù hợp của Nhà nước, nhà trường đào tạo và của các đơn vị nghệ thuật - nơi nghệ sĩ công tác.
2. Thực trạng đào tạo và phát triển tài năng trẻ nghệ thuật hiện nay
Những yếu tố tích cực
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đổi mới, hòa nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, chưa bao giờ vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế lại được coi trọng như hiện nay. Đảng và Nhà nước ngày càng đánh giá cao vai trò của văn hóa nghệ thuật, bởi đây là hồn cốt, là bộ mặt quốc gia khi Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Trong điều kiện đất nước hòa bình đang ngày càng phát triển, văn hóa nghệ thuật có nhiều thuận lợi để khởi sắc, mở ra nhiều cơ hội cho tài năng trẻ nghệ thuật phát huy sức sáng tạo của người nghệ sĩ.
Sự phát triển thần tốc của khoa học kỹ thuật, nhất là những bước tiến mạnh mẽ của kỹ thuật số làm biến đổi nhanh chóng mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Những chương trình nghệ thuật hoành tráng, các liveshow âm nhạc cuốn hút giới trẻ, những vở diễn sân khấu hay các bộ phim điện ảnh trở nên hấp dẫn hơn - tất cả là nhờ có sự trợ giúp của kỹ thuật hiện đại, tưởng như nó đã làm cho sức sáng tạo của con người trở nên vô tận, vô biên...
Càng ngày Đảng và Nhà nước càng đánh giá cao “sức mạnh mềm” của văn hóa nghệ thuật, coi trọng vai trò của lực lượng nghệ sĩ, nên bắt đầu có một số chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật hoạt động hiệu quả hơn; công tác đào tạo tài năng nghệ thuật trẻ cũng được quan tâm hơn trước. Ngày 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1341/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; ngày 19-7-2016 ban hành Quyết định số 1437/TTg, Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”. Theo tôi đây là các đề án đào tạo tài năng trẻ rất cần thiết cho ngành văn hóa nghệ thuật, nếu thực hiện tốt thì khoảng dăm năm nữa sẽ bổ sung vào nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật của đất nước ta nhiều tài năng trẻ được trang bị nhiều kiến thức tiên tiến, hiện đại.
Những điều bất cập trong đào tạo tài năng trẻ nghệ thuật hiện nay
Tôi xin nêu một số vấn đề thực trạng, là những thách thức đã và đang đặt ra tại trường đại học hàng đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sân khấu và điện ảnh - truyền hình của cả nước, đó là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (đơn giản vì đây là lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của tôi, nhiều năm qua tôi đã tham gia công tác đào tạo ở lĩnh vực này).
Thứ nhất là vấn đề đội ngũ giảng viên
Hơn nửa thế kỷ qua, thế hệ những người thày được đào tạo ở Liên Xô (trước đây) và các nước XHCN khác, là lực lượng nòng cốt trong công tác đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và một phần của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Đây là cả một thế hệ người thày được đào tạo bài bản, trong số đó có nhiều người tài giỏi; các thày cô rất tâm huyết với nghề, giảng dạy ở hầu hết các chuyên ngành như: Đạo diễn, Diễn viên, Lý luận - phê bình, Thiết kế Mỹ thuật, Quay phim... Dần theo năm tháng, nhiều thày đã ra đi. Đến nay, số thày cô còn có đủ sức khỏe để tham gia công tác đào tạo tại nhà trường có thể đếm trên đầu ngón tay.
Sau khi Liên Xô tan rã, các nước thuộc hệ thống XHCN cũng có nhiều thay đổi về thể chế chính trị và quan hệ quốc tế, nên có một thời kỳ Việt Nam không thể gửi sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài như trước đó, ngành Văn hóa Nghệ thuật cũng chịu chung thiệt thòi này.
Bước sang thời kỳ Đổi mới, chính sách mở cửa thông thoáng của Nhà nước đã cho phép học sinh đi du học tự túc (tự chi trả mọi chi phí); Bộ GDĐT cũng có một số đề án tuyển chọn, cấp học bổng cho một số sinh viên tài năng, đủ tiêu chuẩn gửi đi học ở các nước phát triển, trong đó cũng có một số em là tài năng trẻ của lĩnh vực nghệ thuật, chủ yếu là thuộc ngành Âm nhạc. Tuy nhiên, sau khi học thành tài, tốt nghiệp rồi thì không ít các du học sinh đã không về nước làm việc mà ở lại lập nghiệp. Hiện tượng đất nước bị “chảy máu chất xám”, “chảy máu tài năng” không phải là ít. Giá như những học sinh tài năng, được đào tạo ở môi trường và điều kiện tốt ở các nước phát triển mà có khát vọng về nước để phục vụ cho đất nước, cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, thì các nhà trường đào tạo nghệ thuật đã có thể có nhiều người thày giỏi truyền nghề cho lớp trẻ.
Nói như vậy, không có nghĩa là trong đội ngũ các thày cô vốn được đào tạo ở trong nước thì không có người tài giỏi; cũng không phải học trong nước mà không có học sinh, sinh viên tài năng. Nhưng không thể không thừa nhận là: với điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, kỹ thuật thì việc dạy và học các ngành nghệ thuật trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật hiện đại với ý nghĩa là phương tiện học tập, thực hành.
Theo tôi, ở trong nước, công tác đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận để dạy các chuyên ngành nghệ thuật có thời gian dài chưa được chú trọng đúng mức, chưa được chuẩn bị từ trước, nên đến nay đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu trầm trọng. Đây là tình trạng chung của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và TP.HCM. Rất may là nhiều năm nay Bộ GDĐT cho cơ chế và không hạn chế sử dụng lực lượng giảng viên thỉnh giảng nên hai trường vẫn đủ giảng viên để giảng dạy. Các thày cô thỉnh giảng là các NSND, NSƯT đang làm việc trong các nhà hát hoặc ở các cơ sở đào tạo khác ở Hà Nội, đa số đã có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Chính các thày cô thỉnh giảng đang là những người trực tiếp giảng dạy các môn chuyên ngành như diễn viên, đạo diễn... là những ngành thu hút lượng thí sinh dự tuyển đông đảo nhất so với các ngành khác của trường.
Công việc giảng dạy các ngành nghệ thuật có một số đặc thù (về thời gian biểu, về phương pháp truyền nghề, về sự đầu tư công sức...), không giống với công việc của những giáo viên ở môi trường đào tạo khác. Tuy nhiên, có một thực tế rất bất hợp lý là chế độ thù lao giờ giảng cho giảng viên thỉnh giảng lâu nay rất thấp, không tương xứng với đòi hỏi của công việc nhiều điểm đặc thù như vừa nói ở trên.
Thứ hai, về chương trình đào tạo
Nhiều năm qua, theo sự chỉ đạo của Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL các nhà trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đã có mấy lần cải tiến chương trình, giáo trình giảng dạy, và đã có một số đổi mới cho phù hợp hơn với tính đặc thù của ngành, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội đang nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một số vấn đề vốn là rào cản, bất cập của các thời kỳ trước vẫn chưa được khắc phục.
Một trong những điểm đặc thù của việc dạy và học các chuyên ngành nghệ thuật, nhất là ngành diễn viên, là cần phải có thời lượng lớn dành cho giờ học thực hành, làm bài (tập vở), trả bài. Nhưng các em vẫn phải đảm bảo học đủ các môn cơ sở như các chuyên ngành khác, theo khung chương trình được Bộ GDĐT quy định chung cho các trường đại học. Dĩ nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ, các em phải cùng nhau làm việc thêm vào các buổi tối. Nhiều khi có sự giúp đỡ của cả thày/ cô giáo dạy chuyên ngành đó. Tất nhiên những giờ dạy thực hành buổi tối như vậy là do thày/ cô lo lắng cho học trò, muốn giúp các em có được những bài trả thi có chất lượng, chứ không được tính vào giờ dạy và đương nhiên không có thù lao.
Thứ ba, về người học
Công việc đào tạo của nhà trường nào thì đều theo một quy trình: tuyển sinh - đào tạo - tốt nghiệp ra trường.
Theo nhận xét của nhiều người trong ngành, chất lượng đầu vào của nhiều trường nghệ thuật gần đây không phải là cao, nếu không muốn nói là có ngành thấp. Ở những ngành cần có năng khiếu nổi bật như diễn viên (sân khấu, điện ảnh, múa...) nhìn các em mới vào cũng chỉ “sàn sàn như nhau”, hiếm thấy có khuôn mặt nào nổi bật. Đành rằng tài năng vốn là “của hiếm”, là số ít. Nhưng quan sát cách thức tổ chức tuyển sinh của các nhà trường mấy năm gần đây: thí sinh nộp hồ sơ về trường, thi tại trường, như tất cả các trường đại học khác trong cả nước, tôi băn khoăn với câu hỏi: phải chăng các trường văn hóa nghệ thuật đang “bỏ rơi”, “bỏ sót” ở đâu đó các em có năng khiếu, hoặc hứa hẹn trở thành tài năng, mà vì nhiều lý do nào đó các em không có thông tin, hoặc không có điều kiện để về Hà Nội dự tuyển?
Tôi nhớ, khoảng mươi năm trước, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống, hay các trường trung cấp, cao đẳng văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh muốn đào tạo đội ngũ kế cận đã đi về tận các vùng sâu, vùng xa, hay đến những nơi có truyền thống về tuồng, chèo, cải lương, đến tận các gia đình để tuyển học sinh, thuyết phục gia đình cho con em mình đi học nghệ thuật... Với cách làm “đãi cát tìm vàng” như thế, nhiều em sau khi được đào tạo căn bản đã trở thành những ngôi sao của nhà hát, của đoàn.
Tiếp đến, câu chuyện “đầu ra” của các trường. Nỗi lo lớn nhất của các sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường là tìm được nơi làm việc phù hợp với ngành nghề, có thu nhập. Đối với số ít các em có năng lực nổi trội thì không phải là vấn đề lớn, nhưng với nhiều em thì không dễ dàng. Rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề tinh giảm biên chế - một chính sách quản lý hành chính của Nhà nước khi áp vào một ngành có tính đặc thù là nghệ thuật làm nảy sinh nhiều điều bất cập, bế tắc. Tôi lại muốn nhắc tới câu “Thày già, con hát trẻ”. Nhưng có một thực trạng ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật là số diễn viên đã luống tuổi, không còn biểu diễn được nữa, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì họ vẫn nằm trong biên chế, vì vậy, đơn vị không thể tuyển thêm người, các nghệ sĩ trẻ đang sung sức, có khả năng thì có thể ký hợp đồng, tuy nhiên, mức lương hợp đồng quá ít ỏi, buộc họ phải “dứt áo ra đi”, tìm con đường mưu sinh khác. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước đổi mới.
3. Một số đề xuất để tạo cơ hội cho tài năng nghệ thuật phát triển
Trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước
Nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách phù hợp dành cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, cần tính tới tính đặc thù của lĩnh vực này để giảm bớt những điều bất hợp lý, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên cũng như học sinh, sinh viên phát huy khả năng và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài năng cống hiến cho xã hội.
Các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo tài năng nghệ thuật như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL cần có sự phối kết hợp trong việc ban hành các quy định, quy chế, chế độ và chỉ đạo thực hiện đối với công tác đào tạo của các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật; cần có chính sách phù hợp trong các khâu tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, ưu tiên, ưu đãi đối với những nhân tài của đất nước.
Trách nhiệm của nhà trường
Để thu hút được nhiều người học, không bỏ sót các mầm non tài năng, các trường cần trở lại cách thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù của ngành là chủ động đi đến các địa phương để tổ chức tuyển sinh. Đây là cách làm không mới, nhưng đến nay vẫn là cách làm hiệu quả nhất.
Tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường là nhiệm vụ cần thiết, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, để không bị đứt gãy thế hệ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đội ngũ giảng viên cơ hữu chưa thể đảm đương công việc giảng dạy cho mấy chuyên ngành “hot”, có số lượng sinh viên theo học đông đảo nhất như ngành Diễn viên, Đạo diễn và Quay phim, thì chủ trương sử dụng lực lượng giảng viên thỉnh giảng có độ dày về kinh nghiệm và độ chín về chuyên môn là cách làm khôn ngoan của Ban Lãnh đạo nhà trường và nên được phát huy. Bản thân các thày/ cô mời là những người rất yêu nghề, mong muốn góp phần đào tạo thế hệ trẻ, nhiều người không tiếc thời gian, công sức để đồng hành cùng học trò suốt 4 năm học, dìu dắt các em từ khi mới vào trường cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Thiết nghĩ, để duy trì được lâu dài cách thức hợp tác này, về phía nhà trường cũng cần có các chế độ thỏa đáng, ghi nhận sự cống hiến của các thày/ cô phần lớn đã ở tuổi nghỉ hưu, vì yêu nghề, yêu nghệ thuật nên vẫn muốn truyền lại cho các thế hệ trẻ không phải chỉ là kiến thức, mà còn truyền lửa đam mê nghệ thuật dân tộc cho các em.
Công việc đào tạo trong các trường nghệ thuật không chỉ đơn thuần là truyền dạy kiến thức lý thuyết, mà cần có nhiều giờ học thực hành, đồng nghĩa với việc cần có không gian phù hợp và đạo cụ để trải nghiệm. Những yêu cầu này hiện đang là khó khăn của hầu hết các trường, khiến cho việc dạy và học, thực hành chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, việc cải thiện về cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của việc học và dạy là nhiệm vụ cấp bách các trường cần tìm hướng khắc phục.
Về các đề án đào tạo tài năng trẻ
Việc Nhà nước và Bộ VHTTDL đang chỉ đạo thực hiện 2 đề án đào tạo tài năng trẻ nghệ thuật: Đề án 1341 (đào tạo trong nước) và Đề án 1437 (đào tạo ở nước ngoài) là đúng đắn, là rất cần thiết. Tất nhiên, hiện còn quá sớm để có thể có được sự đánh giá toàn hiện về hiệu quả của các đề án như thế nào, vì đào tạo nhân tài không thể chỉ qua một vài năm là có ngay quả ngọt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thời kỳ trước để lại, qua nhiều dự án, đề án trước đây Việt Nam gửi học sinh đi đào tạo ở nước ngoài cũng có thể rút ra một số bài học. Vì vậy, tôi chỉ xin nêu một vài ý:
Cơ sở đào tạo gửi người đi học tập ở nước ngoài cần lưu ý các em rằng: có khả năng nghệ thuật chưa đủ, mà còn cần có vốn ngoại ngữ vững vàng, thì đi du học mới có hiệu quả. Vì thế, các em phải đầu tư việc học ngoại ngữ càng sớm càng tốt và học một cách thường xuyên.
Khi đã tuyển chọn được các sinh viên đủ tiêu chuẩn, cơ sở đào tạo gửi người đi và người được chọn cần có sự thỏa thuận mang tính pháp lý, cam đoan sau khi học xong thì sẽ về nước, về trường làm việc. Đây là một trong những biện pháp để nhà trường bổ sung đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho mình. Ngược lại, về phía nhà trường cũng cần có kế hoạch về nguồn nhân lực, cần chuẩn bị chỗ để tiếp nhận các em sau khi học xong, trở về.
Nếu Bộ VHTTDL không có kế hoạch lâu dài đào tạo bổ sung đội ngũ giảng viên kế cận thì sự đứt gãy thế hệ trong công tác đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam là không thể tránh khỏi (trên thực tế nó đã hiện hữu nhiều năm nay).
Trách nhiệm của các hội nghề nghiệp
Để tạo một “sân chơi” cho các nghệ sĩ trẻ, nhiều năm qua các hội nghề nghiệp (như Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam...) thường tổ chức các cuộc thi tài năng trẻ về các loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau. Đây cũng là các dịp để các nghệ sĩ phấn đấu rèn luyện, trau dồi chuyên môn, xây dựng các tác phẩm có chất lượng mang đi thi, với khát khao dành được tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, để bổ sung vào Hồ sơ xét tuyển NSƯT, NSND... Thiện chí của các hội nghề nghiệp muốn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ tài năng phấn đấu là dụng ý tốt; khát khao đạt được huy chương của các nghệ sĩ để có cơ hội nâng cao danh hiệu nghề nghiệp cũng là chính đáng. Tuy nhiên, việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi/ liên hoan tài năng trẻ cũng dẫn tới một số tư tưởng thái quá như quá chú trọng vào mục đích tìm kiếm huy chương mà mất đi cái vẻ đẹp hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ, trong khi chính những yếu tố này đem lại cảm xúc đẹp đẽ cho người xem khi thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ.
Mong rằng, sân chơi này của các nghệ sĩ trẻ vẫn được duy trì và không ngừng cải tiến về cách thức tổ chức, về nội dung và hình thức để nâng cao chất lượng và ý nghĩa của các cuộc thi tài năng nghệ sĩ.
4. Kết luận
Tài năng nói chung, tài năng nghệ thuật nói riêng, là vốn quý của xã hội. Bằng tài năng của mình các nghệ sĩ đã góp phần “làm đẹp cho đời”, đem lại niềm vui cho mọi người từ già đến trẻ, bởi nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tài năng trẻ nghệ thuật góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc phục vụ nhân dân trong nước và quảng bá ra thế giới.
Để tài năng trẻ có thể “cất cánh”, thăng hoa cần có một chu trình gồm: Phát hiện, nuôi dưỡng - Đào tạo + tự tu dưỡng - Sáng tạo, cống hiến.
Đào tạo tài năng trẻ nghệ thuật là nhiệm vụ chiến lược mà ngành Văn hóa được Đảng và Nhà nước giao phó, nếu làm tốt thì sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Văn hóa nghệ thuật nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.
_________________
Tham luận Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024