• Văn hóa > Cổ truyền

Phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống trong xu thế phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Hà Giang

Hà Giang - vùng đất cao nguyên đá hùng vĩ, không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn là kho tàng văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa. Trong nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong cả nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với các hoạt động phong tục tập quán xã hội, tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là các giá trị ẩm thực tinh hoa của địa phương thông qua các hoạt động ẩm thực truyền thống, nhằm tăng cường đầu tư xây dựng phát triển du lịch của tỉnh nhà. Bài viết phân tích các giá trị sản phẩm du lịch/ ẩm thực tại tỉnh Hà Giang nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách có cơ hội tìm hiểu về đất nước và con người nơi đây.

Tri thức và kinh nghiệm trong khai thác thực vật của người Mạ tại Vườn quốc gia Cát Tiên ở Việt Nam

Khai thác các tri thức và kinh nghiệm của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở các địa phương trên cả nước ở Việt Nam hiện nay góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững là vấn đề hết sức quan trọng. Bài viết này tập trung phân tích tri thức và kinh nghiệm khai thác thực vật trong chế biến thức ăn và chăm sóc sức khỏe của người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên góp phần phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống của người dân ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Vai trò của nghệ nhân trong việc thực hành và truyền dạy di sản nghệ thuật đấu chiêng của người Cor (Quảng Ngãi)

Di sản cồng chiêng của dân tộc Cor, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tuy không đồ sộ nhưng vẫn có sự độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là loại hình trình diễn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật. Việc bảo tồn di sản cồng chiêng dân tộc Cor không chỉ cần thiết cho cộng đồng của họ mà còn cho sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam nói chung. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực bảo tồn và phát huy văn hóa Cor bằng cách sử dụng nguồn lực văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân... Nghệ nhân không chỉ trình diễn nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc. Bài viết phân tích vai trò của nghệ nhân trong việc thực hành và truyền dạy di sản văn hóa nghệ thuật đấu chiêng của người Cor hiện nay.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam có 54 cộng đồng dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều trình độ phát triển kinh tế, xã hội và sắc thái văn hóa khác nhau đã tạo nên tính đa dạng, thống nhất. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có những chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa đồng thời gắn với sự phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Bài viết đề cập đến kết quả thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp phát huy hiệu quả phát triển kinh tế gắn liền với vấn đề bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa DTTS.

Đồng bào Ê đê lưu giữ tiếng đàn ching kram

Đàn ching kram, hay còn gọi là chiêng tre, không chỉ là một nhạc cụ truyền thống, mà còn là tiếng lòng, biểu tượng văn hóa và tâm hồn của người Ê Đê nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung. Đối với nghệ nhân Ê Đê, việc chơi đàn ching kram không chỉ đơn thuần là biểu diễn âm nhạc mà còn là cách họ kết nối với bản sắc dân tộc, thiên nhiên, và những giá trị văn hóa truyền đời.

Biến đổi tín ngưỡng, lễ hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình)

Bài viết nghiên cứu sự biến đổi trong tín ngưỡng thờ cúng và lễ hội tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình). Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, một vị thần núi, được xem như “Bách nghệ Tổ sư” - ông Tổ của nhiều nghề, đặc biệt là nghề chế tác đá. Từ đó, các truyền thuyết dân gian liên quan đến Thánh Tản Viên, cùng với sự tôn vinh Tổ nghề Hoàng Sùng, đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa tín ngưỡng địa phương. Bài viết cũng phân tích sự thay đổi trong lễ hội Tam thôn, một lễ hội truyền thống tại Ninh Vân, bao gồm sự điều chỉnh về thời gian, quy mô và nghi thức để phù hợp với bối cảnh hiện đại. Những biến đổi này phản ánh nhu cầu của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Nghi lễ Piền hùng sỉnh tỉa trong không gian văn hóa Dao

Piền hùng sỉnh tỉa là một nghi lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Dao, liên quan đến việc thờ cúng thần Bàn Vương, vị thần tối cao, được coi là người sinh ra vạn vật và bảo trợ cho dân tộc Dao. Nghi lễ này không chỉ mang đậm yếu tố tâm linh mà còn thể hiện sự tri ân, nhớ về nguồn cội và tổ tiên của đồng bào. Bài viết làm nổi bật ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nghi lễ trong việc gắn kết cộng đồng và bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tổng quan nghiên cứu và thực trạng biến đổi của lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay

Bát Tràng (Hà Nội), một làng nghề có lịch sử lâu đời, đã được nhiều tài liệu và công trình đề cập, nghiên cứu trên phương diện lịch sử, văn hóa, quy trình sản xuất gốm, sứ… Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh Tổ nghề và thể hiện ước vọng của dân làng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy đã trải qua nhiều thay đổi về thời gian, không gian và hình thức tổ chức, nhưng lễ hội vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện qua cách tổ chức và quản lý của cộng đồng, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Văn hóa ẩm thực của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh thành tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang đặc trưng của vùng cư dân hỗn hợp và đa dạng. Sự cộng cư của các tộc người Việt, Hoa, Khmer nơi đây đã tạo nên một vùng văn hóa vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa mang những nét chung vừa thể hiện những đặc trưng riêng biệt về bản sắc văn hóa tộc người. Trong các giá trị văn hóa ấy, không thể không nói đến văn hóa ẩm thực, một phương diện đặc thù trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết của chúng tôi, trên cơ sở phân tích những đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Khmer, bài viết khẳng định những lớp văn hóa trầm tích về giá trị vật chất và tinh thần của vùng đất Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy dân ca Nùng tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Dân tộc Nùng ở Việt Nam có nhiều nhóm dân tộc, mỗi nhóm dân tộc lại có tên gọi riêng: Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo… Người Nùng có lịch sử cư trú khá lâu đời ở Việt Nam và cũng là chủ nhân của vùng văn hóa thung lũng. Dân ca là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Nùng, đây không đơn thuần là một hình thức sinh hoạt đời sống tinh thần thông thường mà còn là phương tiện truyền tải những thông điệp về lịch sử, văn hóa và nhân sinh của người Nùng từ đời này qua đời khác. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Bắc là trung tâm đào tạo cán bộ, diễn viên ngành văn hóa có uy tín ở khu vực Đông Bắc. Nghệ thuật truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung cũng như dân ca dân tộc Nùng nói riêng luôn được nhà trường quan tâm và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.