Đàn tính hay Tính tẩu là loại nhạc cụ tiêu biểu, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái nói chung, dân tộc Thái nói riêng. Tính tẩu được dùng trong lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn... Đây cũng là nhạc cụ giữ vai trò chính trong việc dẫn dắt, nâng đỡ cho giọng hát của người diễn xướng.
Tính tẩu là cây đàn có vị trí quan trọng, không thể thiếu trong biểu diễn làn điệu Then ở các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Hát Then, đàn Tính mang nét nghệ thuật độc đáo, có sức truyền cảm mạnh mẽ, trở thành hồn cốt trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Chính vì thế, hát Then, đàn Tính có sức sống mãnh liệt, được đồng bào trao truyền, bảo tồn, phát huy giá trị.
Trong khuôn khổ Liên hoan hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII – 2024, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) người dân tộc Thái - Mào Ết (Mào Văn Ết), hiện đang ở tổ 6, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là người đã gắn bó lâu năm với cây đàn Tính đã chia sẻ với du khách về cách chế tác nhạc cụ truyền thống độc đáo này.
NNƯT Mào Ết với cây Tính tẩu do ông chế tác
Nghệ nhân cho biết, theo tiếng của người Thái, tính là đàn, tẩu là quả bầu, ghép lại thành Tính tẩu hay còn gọi là đàn Tính. Tính tẩu thuộc đàn dây, khi biểu diễn, người chơi dùng ngón tay trỏ của tay phải để gảy. Trước kia, Tính tẩu chỉ có 1 dây, do cuộc sống phát triển, tình cảm của con người gửi gắm vào tiếng đàn nhiều hơn. Để biểu đạt được các cung bậc cảm xúc, đàn đã được thêm dây. Hiện nay, Tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, với các quãng âm rộng và có thể chơi, hòa tấu với các bài Then hiện đại. Đàn Tính có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp…
Cây Tính tẩu của người Thái trắng vùng Tây Bắc có điểm khác với cây Tính tẩu của các dân tộc Tày, Nùng vùng Ðông Bắc. Theo NNƯT Mào Ết, Tính tẩu của người Thái trắng Tây Bắc có mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống; bầu của đàn là biểu tượng của diều con gà. Tổng thể Tính tẩu của người Thái được coi là biểu tượng của con gà trống.
Chia sẻ về cách chế tác ra chiếc đàn, NNƯT Mào Ết cho biết, công đoạn đầu tiên là chọn được quả bầu già. Bầu vẫn phải để trên cây, đến khi quả khô hẳn, vỏ cứng cáp mới được hái về để làm đàn. Bầu sau khi được làm sạch, khoét các lỗ trên vỏ bầu để tạo ra âm thanh. Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn làm bằng chất liệu gỗ nhẹ, mềm, dày khoảng 3 mm để tạo tiếng vang, sau đó gắn vào mặt cắt của bầu đàn. Cần đàn được làm từ gỗ, bào nhẵn và phẳng để gắn với bầu của đàn. Trên cần đàn sẽ có trục gỗ để lên dây.
Quả bầu được lựa chọn làm bầu của đàn
Để chế tác được cây đàn Tính, bên cạnh việc tìm được bầu đàn tốt thì điều quan trọng là người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo và hiểu rõ về âm luật và các làn điệu Then. Bên cạnh đó, thợ làm Tính tẩu là người hiểu rõ về cách lựa chọn chất liệu để có một cây đàn tốt, đồng thời cũng chính là người thẩm âm đầu tiên nên hiểu rõ về âm luật.
“Chất lượng cây đàn phụ thuộc vào quả bầu, điều quan trọng nữa là cái tai của người sản xuất phải nghe chuẩn. Nếu vỏ quả bầu dày quá là phải làm mỏng bớt, còn quả bầu bị non, thì cũng phải biết cách xử lý. Đa số cần và mặt đàn sẽ được làm từ gỗ dổi mỡ, vì loại gỗ này nhẹ, xốp, không bị cong vênh” - nghệ nhân Mào Ết chia sẻ.
NNƯT Mào Ết cho rằng, khó nhất trong chế tác cây đàn là khâu khoét lỗ trên bầu đàn để khớp nối với cần đàn. Chỗ tiếp nối phải vừa khít thì đàn mới vang. Đồng thời, cần đàn, mặt đàn phải trên một đường thẳng, nghĩa là phím đàn phải phẳng, không được cong, vênh, khi đó tiếng đàn mới hay, không bị rè. Ông cũng cho biết, vì Tính tẩu được làm hoàn toàn thủ công, nên để có được chiếc Tính tẩu đạt chất lượng thì phải làm trong 15 ngày.
Gắn bó với cây Tính tẩu từ khi mới 10 tuổi, được trao truyền từ đời cha, ông, giờ đây ở tuổi 80, NNƯT Mào Ết vẫn dành tình yêu, lòng đam mê với cây đàn truyền thống. Bên cạnh việc chế tác, ông còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đồng thời, ông còn là người tích cực truyền dạy cách làm và chơi đàn tính cho những người yêu thích cũng như đội ngũ thế hệ kế cận.
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC