Bình Định - Từ di sản vào phim

Bình Định là một địa phương có nhiều ưu thế, từ phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, đến lịch sử. Do vậy, Bình Định có thể trở thành một trọng điểm để phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các loại hình thể thao, du lịch và điện ảnh và là một điểm đến hấp dẫn.

Tháp Bánh Ít hay Tháp Bạc là một trong những công trình của người Chăm cổ còn lại cho đến ngày nay trên đất Bình Định

Bình Định - miền “đất võ trời văn”

Bình Định nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, ở Trung tâm của trục Bắc - Nam (trên cả 4 tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt, đường hàng không nội địa và đường biển), là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Thành phố Quy Nhơn được Chính phủ xác định là đô thị trung tâm phía nam của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, cùng với Đà Nẵng và Huế là những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của cả khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Với 134 km bờ biển, Bình Định sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, rộng hàng trăm ha, còn rất hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh, quanh năm tràn ngập ánh nắng: Quy Nhơn, Hải Giang, Trung Lương, Tân Thanh, Vĩnh Hội và nhiều đảo gần bờ: Nhơn Châu, Hòn Khô, Đảo Yến,… Là nguồn tài nguyên to lớn cho sự phát triển các sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng biển. Bình Định còn nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa mà bản thân nó là những mốc son gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất huyền thoại này. Là cái nôi của phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, vùng đất kinh đô của nhiều triều đại chứa đựng những trầm tích văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa… Bình Định còn là địa phương nổi tiếng với nghệ thuật hát Bội (Tuồng), bài Chòi độc đáo. Đặc biệt còn nổi tiếng là miền đất võ với những làng võ, lò võ vang danh khắp xứ. Bình Định, nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú, là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tinh thần và tâm linh của các dân tộc như: lễ hội Đổ Giàn, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Đua thuyền, lễ hội chợ Gò… Bình Định nổi tiếng với những món ăn đặc sản lạ miệng mang nét đặc trưng văn hóa của miền đất võ như: Rượu Bàu Đá, Nem chợ huyện, bánh Ít lá gai, bún Chả cá Quy Nhơn, bánh Hỏi lòng heo, bún Song Thằn...

Bãi đá trứng trong khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa

Bình Định là mảnh đất có bề dày văn hóa, nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh. Cùng với bề dày lịch sử, Bình Định còn là một mảnh đất có chiều sâu văn hóa. Nơi đây từng là một cố đô của vương quốc Champa với di tích của thành Đồ Bàn và các tháp Chăm độc đáo, trong đó nổi tiếng nhất là cụm tháp Dương Long là tháp Chăm cao nhất ở Việt Nam, cũng là một trong những cụm tháp đẹp nhất và được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Đây cũng là nơi ghi dấu ấn của nhiều anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, trong đó tên tuổi của Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành niềm tự hào của người dân Bình Định. Bình Định cũng là quê hương của các danh nhân như Trần Đức Hòa, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát...

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải nhắc đến tên tuổi của Đào Duy Từ (1572-1634). Ngoài ra, còn có những tên tuổi như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Phạm Văn Ký, Nguyễn Mộng Giác, Võ Sỹ Thừa…

Bãi biển Eo Gió có tên gọi bắt nguồn từ hình dáng cánh cung cong hứng gió tuyệt đẹp

Bình Định còn nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng như hát bài chòi, hát bội (tuồng), nhạc võ (trống trận) Tây Sơn, hò bá trạo (còn gọi là bả trạo) của cư dân vùng biển với các lễ hội mang sắc màu đa dạng như lễ hội Đống Đa Tây Sơn, lễ hội Cầu Ngư tôn vinh Cá Ông, lễ hội của các dân tộc miền núi... cùng với một nền văn hóa dân gian địa phương phong phú. Và không thể không nhắc đến một đặc sản riêng có của đất Bình Định, đó là truyền thống võ học đã đi vào ca dao.

“Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”.

  Tại Bình Định có hơn 200 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Một số di tích nổi bật bao gồm Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Lăng Ông Nam Hải và nhiều di tích Chăm khác. Địa điểm này cũng nổi tiếng với nhiều thắng cảnh tự nhiên như bãi biển Kỳ Co, bãi biển Eo Gió, Hòn Khô, Đầm Thị Nại và Khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa. Bình Định cũng có nhiều lễ hội truyền thống, bao gồm Lễ hội Đống Đa (kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa), Lễ hội Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Lễ hội Cầu Ngư, và nhiều lễ hội khác. Các lễ hội này thể hiện bản sắc văn hóa địa phương và thu hút nhiều du khách. Tỉnh này có nhiều ngành nghề truyền thống, bao gồm dệt vải, làm gốm, chạm khắc gỗ, làm nón lá, và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Các làng nghề nổi tiếng như Làng rượu Bàu Đá, Làng đúc đồng Bằng Châu, Làng nghề dệt chiếu cói... góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương.  

Phim Nhất Đại Tông Sư phần hai mang tựa đề Đinh Sư Phụ

Như vậy có thể thấy Bình Định có ưu thế rõ rệt trên nhiều phương diện để trở thành một nơi trọng điểm cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, cả về nhân lực, vật lực. Với những ưu thế về thiên nhiên, địa lý, Bình Định có thể trở thành những phim trường tự nhiên để quay những bộ phim với những đề tài khác nhau, từ lịch sử, cổ trang đến võ thuật, tâm lý xã hội… của Việt Nam và thế giới.

Từ di sản vào phim

Với truyền thống lịch sử, văn hóa nghệ thuật, thể thao và nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, Bình Định đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực điện ảnh, văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa…

Bình Định là một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa phong phú. Việc sử dụng phim ảnh để quảng bá du lịch có thể giúp nâng cao nhận thức và thu hút du khách đến với tỉnh Bình Định. Các sản phẩm phim ảnh như Nhất Đại Tông Sư, Tây Sơn Thất Hổ TướngĐinh Sư Phụ của Bảo Phúc Media đều lấy bối cảnh lịch sử và văn hóa của Bình Định. Những bộ phim này không chỉ giúp giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa của tỉnh mà còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt thông qua sự tiếp xúc từ phim ảnh, không chỉ nhanh chóng lan truyền (viral) mà còn tạo nên sự tiếp xúc “không gian văn hóa” qua màn ảnh, từ đó thôi thúc nhu cầu trải nghiệm thực tế. Đồng thời, du lịch cũng có thể tác động ngược lại đến phim ảnh. Các địa điểm lịch sử có thể trở thành bối cảnh, câu chuyện cảm hứng, địa điểm gắn kết cảm xúc giữa thật tế đến nghệ thuật trên phim. Cụ thể, mối liên quan giữa phạm trù “phim ảnh” và “du lịch” có thể kết nối như sau:

Các bộ phim tập trung vào các sự kiện lịch sử và văn hóa đặc sắc của Bình Định, giúp khán giả hiểu sâu hơn về lịch sử hào hùng và truyền thống võ thuật của vùng đất này. Sự nổi tiếng của các nhân vật lịch sử như: Quang Trung, Tây Sơn thất hổ tướng… sẽ kích thích sự tò mò và hứng thú của du khách. Khán giả cũng có thể tiếp cận những “không gian văn hóa” Bình Định thông qua bối cảnh phim điển hình như:

Tháp Đôi: Di tích kiến trúc Chăm nổi tiếng, thể hiện nét văn hóa và lịch sử của người Chăm ở Bình Định. Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Được xây dựng để tưởng nhớ ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), những vị anh hùng dân tộc đã lập nên triều đại Tây Sơn. Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt là nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử và văn hóa quý giá. Lăng Ông Nam Hải: Một di tích lịch sử quan trọng, nơi thờ cúng cá Ông (cá voi) - một loài cá được ngư dân địa phương coi là thần bảo hộ trên biển. Khu di tích Hầm Hô: Một khu di tích lịch sử nổi tiếng với những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khu di tích này cũng nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và hệ thống hang động độc đáo.Và rất nhiều di tích khác…

Không những thế, khán giả có thể biết đến Bình Định thông qua những thước phim kể về Lễ hội Đống Đa ở Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia. Hay Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức các vùng ven biển ở Bình Định. Thường tổ chức vào mùa đánh bắt cá. Lễ hội này cầu cho mưa thuận gió hòa, biển cả bình yên và mùa màng bội thu.

  Bình Định có rất nhiều chất liệu có thể khai thác. Phim ảnh là một trong những kênh truyền thông tối ưu nhất, mang đến trải nghiệm “không gian văn hóa” trên màn ảnh, tạo độ lan truyền và thôi thúc trải nghiệm thực tiễn. Việc sử dụng phim ảnh để quảng bá du lịch có thể mang lại hiệu quả cao cho tỉnh Bình Định, giúp nâng cao nhận thức và thu hút du khách đến với các điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024

;