Kon Rẫy (Kon Tum): Truyền lửa đam mê văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Thời gian qua, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo cồng chiêng cho lớp trẻ, góp phần gìn giữ bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Nghệ nhân A Jin Đen ở thôn 5, làng Kon Brăp Du, xã Tân Lập đang truyền dậy cồng, chiêng cho các em học sinh trong làng
 

Lần đầu tiên được tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang do huyện tổ chức, em A Dương, sinh năm 2014 tại thôn 5 xã Tân Lập hào hứng chăm chú học đánh chiêng và chia sẻ: “Trước em chỉ được xem người già trong làng biểu diễn rồi bắt chước theo. Giờ đây khi tham gia lớp học, em có thêm những người bạn và động lực để luyện tập đánh chiêng hơn nữa. Em sẽ cố gắng tập luyện để cùng các bạn của mình nhanh chóng thành thạo các kỹ năng cơ bản về biểu diễn chiêng để tham gia nhiều cuộc thi, ngày hội do địa phương tổ chức”.

Tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng các đội cồng chiêng thiếu niên, thanh niên ngày càng nhiều. Dưới sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân, già làng, các đội chiêng “nhí” ngày càng thành thạo, điêu luyện trong từng nhịp chiêng, dần thay thế được lớp nghệ nhân lớn tuổi tại làng.

Nghệ nhân A Jin Đen ở thôn 5, làng Kon Brăp Du, xã Tân Lập vui vẻ “khoe”: Lớp học vừa rồi chỉ diễn ra trong từ 10 -15 ngày nhưng ngày nào cũng rất đông vui, nhộn nhịp. Ngoài các em nhỏ tập chiêng còn có cả người lớn trong làng đến xem và cổ vũ. Từ ngày được chính quyền địa phương hỗ trợ mở lớp học, cơ sở vật chất tập luyện, tôi cảm thấy rất vui vì được truyền dạy kiến thức cho chính con em của mình trong làng. Qua đó, giúp các em có môi trường tập luyện bài bản, nắm được các kỹ năng cơ bản trong diễn tấu cồng chiêng, múa xoang”.

Trao giải thưởng cho các đội tham gia Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số huyện Kon Rẫy lần thứ 2/2024

Sở GDĐT tỉnh Kon Tum trao tặng bộ cồng chiêng cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy
 

Những năm gần đây, huyện Kon Rẫy đều tổ chức từ 2-3 lớp truyền dạy cồng chiêng cho khoảng 60-80 học viên là những em học sinh từ lứa tuổi 10-14 ở những thôn, làng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức cho các em giao lưu, đánh chiêng trong các Hội nghị, hội thi quan trọng của huyện nhằm tạo “không gian” cho các loại hình văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục xây dựng và tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như: Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số; liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, hội thi tạc tượng, hội thi văn hóa dân gian gắn với các sự kiện lịch sử của huyện, của tỉnh và cả nước nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.

Bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Để tiếp tục đưa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào cuộc sống, UBND huyện đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, việc làm cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng hiện có của huyện; gắn việc phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Từ năm 2017 đến nay, huyện Kon Rẫy đã phối hợp tổ chức được 20 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho hơn 560 học viên là thanh thiếu niên DTTS, trong đó có 5 lớp được mở tại các trường học và 15 lớp mở tại các thôn, làng trên địa bàn. Qua thống kê tại các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy hiện có 142 bộ cồng chiêng (chủ yếu trong cộng đồng dân cư, do các hộ gia đình gìn giữ). UBND huyện cũng đã mua sắm và cấp mới 3 bộ cồng chiêng cho 3 thôn, làng. Sở GDĐT tỉnh Kon Tum trao tặng 1 bộ cồng chiềng cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện.

Những hoạt động này đã góp phần khơi dậy tình yêu, giúp cho các em học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Kon Rẫy tiếp tục kế thừa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hội thi cồng chiêng, xoang lần thứ 2 cấp cơ sở tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy

 

LÂM HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;