Miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa được ví như bức tranh thổ cẩm đa sắc màu, hiện diện trong bức tranh ấy là nét đẹp trang phục truyền thống của 6 dân tộc thiểu số (DTTS) đoàn kết cùng sinh sống. Trang phục là một trong những dấu hiệu nhận diện giữa dân tộc này với dân tộc khác, mỗi bộ trang phục truyền thống đều là thành quả của muôn vàn đường chỉ tài hoa, đan trong từng lớp vải, những họa tiết hoa văn mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa, vừa thể hiện hài hòa giữa con người với thiên nhiên vừa mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh độc đáo. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc.
Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
Những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số được làm từ vải chàm, vải lanh tự dệt, tự nhuộm, khác biệt nhau về kiểu dáng, loại hình, màu sắc và hoa văn trang trí. Có những bộ trang phục truyền thống đơn giản với gam màu trầm của rừng núi nhưng cũng có những bộ váy áo nhiều màu sắc rực rỡ, thêu hình khối, họa tiết, in hoa văn trên vải bằng sáp ong... là biểu trưng văn hóa của mỗi tộc người. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở luôn coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển. Để đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4795/QĐ-UBND, ngày 31/12/2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh như dân tộc (Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú) đáp ứng yêu cầu “Di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Cụ thể, ngành VHHTTDLđã phối hợp với các địa phương tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày triển lãm về trang phục truyền thống trong Ngày hội văn hóa các dân tộc; tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp trong trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS phục vụ phát triển du lịch; tổ chức tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS cho các đối tượng người có uy tín, cán bộ văn hóa xã vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, rà soát, làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực nghề thủ công truyền thống liên quan đến chế tác trang phục truyền thống của DTTS… Tuy nhiên, một thực trạng chung hiện nay là do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Đa số đồng bào các dân tộc đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông, phổ biến là lớp trẻ. Chỉ trong các dịp lễ, Tết, ngày hội, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau, bày bán trên thị trường. Trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt trang phục của dân tộc nào. Nhiều người cho rằng, sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa tốn kém, trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm còn rất ít. Mặt khác, đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng thổ cẩm hiện đang bán trên thị trường, điều đó khiến đồng bào không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một.
Trước thực trạng trên, cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đầu tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc. Các địa phương cần xây dựng trang Web để giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống gắn với giới thiệu quảng bá văn hóa các DTTS; tiếp tục khuyến khích học sinh trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh mặc trang phục hai buổi/tuần. Tích cực tổ chức mở các gian hàng ở các phiên chợ nơi có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, qua đó khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; tạo không gian, môi trường văn hóa cho đồng bào các DTTS có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các cơ quan chức năng cần ghi hình nhằm lưu lại hình ảnh trang phục mà đồng bào dân tộc sử dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, như khi lên nương rẫy, ra đồng, trong dịp lễ hội, nghi lễ tâm linh,… để có tư liệu cho việc khôi phục.
Trang phục truyền thống phụ nữ Mường Thanh Hóa
Muốn khôi phục và làm ra những bộ trang phục truyền thống, đòi hỏi phải quy hoạch vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất cho các làng nghề dệt truyền thống, thêu thủ công; phải có các đơn vị cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu cũng như công cụ hỗ trợ cho làng nghề, đồng thời cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Trang phục của đồng bào dân tộc đều tự làm thủ công bằng tay, khâu từng đường kim mũi chỉ, trang trí họa tiết ở trang phục phong phú từ khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, thân váy, xà cạp; kỹ thuật thêu hoa văn cũng rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Chính vì vậy, những nghệ nhân thợ giỏi là rất quý, cần có sự quan tâm và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với họ. Tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, trong đó Hội Phụ nữ các cấp đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình mà họ còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống.
Tin tưởng rằng, bằng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, trong đó có trang phục truyền thống theo từng địa phương, cơ sở phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS tỉnh Thanh Hóa.
LÊ HƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024