• Văn hóa > Cổ truyền

KHÔNG GIAN CÔNG TRONG LÀNG VIỆT TRUYỀN THỐNG

Quá trình cư trú ngàn đời trong không gian làng đã quy định bản chất văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáocủa người Việt. Làng dù có thể ổn định cấu trúc nhưng vẫn luôn là một thực thể linh động, liên tục biến thiên trong lịch sử. Vì thế, các không gian của làng cũng liên tục đổi thay và việc nắm bắt tính linh động của không gian làng đòi hỏi phải tiếp cận làng như một thực thể sống động. Trong quá trình đô thị hóa, làm biến đổi sâu sắc cấu trúc không gian làng xã từ gốc rễ, người ta khó tránh được lối mã hóa trong nhìn nhận từ ấn tượng, trải nghiệm không gian mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. Việc chọn lựa một làng cụ thể, làng Ngọc Than, quan sát từ cái nhìn không gian, là cách thức để từ đó nghiên cứu tiếp cận không gian làng cổ truyền.

CÁC DI TÍCH THỜ LÝ NAM ĐẾ Ở PHỔ YÊN, THÁI NGUYÊN

Lý Nam Đế là một bậc anh hùng hào kiệt, có công đánh đuổi giặc Lương, khai sinh ra triều đại tiền Lý, lập nên nhà nước Vạn Xuân vào TK VI. Ông được thờ phụng ở nhiều nơi, tập trung ở Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội. Thôn Cổ Pháp (Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi có đền thờ Lý Nam Đế, được các nhà nghiên cứu khẳng định là quê hương ông. Trên cơ sở tư liệu khảo sát, điền dã, bài viết tập trung giới thiệu một số di tích thờ Lý Nam Đế tiêu biểu ở Thái Nguyên; bước đầu chỉ ra đặc điểm, diện mạo, quy mô điện thờ, góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò của ông trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây.

LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG VẠN ĐIỂM XƯA VÀ NAY

Nam Định là một vùng đất văn hóa lâu đời, cái nôi sản sinh ra nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi lên một làng nghề ít người biết: làng nghề đúc đồng truyền thống Vạn Điểm (hay còn gọi là khu A) thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. Đây là một làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời về nghề đúc, nằm tại vị trí trung tâm của huyện Ý Yên, kế bên là làng nghề đúc cơ khí Tống Xá, xã Yên Xá.

HÌNH TƯỢNG CON THUYỀN TRÊN TRỐNG ĐỒNG VÀ THẠP ĐỒNG THỜI ĐÔNG SƠN

Trong nghệ thuật truyền thống Việt, bản thân mỗi một hình tượng, về hình thức, như là một môtip được lặp đi lặp lại nhiều lần; về nội dung, như khẳng định dạng thức bình đẳng của một cá thể hình tượng trong tổng thể liên hoàn có nhịp điệu cùng trong các hình tượng nghệ thuật khác. Dựa trên những tác phẩm mỹ thuật truyền thống hiện còn cho thấy, con thuyền là một hình tượng xuyên suốt được thể hiện từ thời kỳ Đông Sơn cho đến nay. Ở giai đoạn Đông Sơn, hình ảnh con thuyền được thể hiện nhiều trên các trống đồng, thạp đồng, rìu đồng… và cả ở những mộ thuyền Đông Sơn mới được tìm thấy.

BẢO TỒN, PHÁT HUY MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG THỜI KỲ HÙNG VƯƠNG

Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn, là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những kho tàng di sản mang đậm bản sắc dân tộc như hát xoan, hát ghẹo và các trò diễn xướng dân gian cùng cụm di tích đình, đền, chùa, miếu... Nơi đây có 2 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và xoan ghẹo. Trong kho tàng những di sản vật thể và phi vật thể đó phải kể đến các hình tượng nghệ thuật tiêu biểu được tìm thấy thời Hùng Vương gắn liền với các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Bài viết chỉ đề cập tới 3 trong nhiều hình tượng nghệ thuật tiêu biểu có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương.

TÍN NGƯỠNG TỔ NGHỀ TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT Ở HÀ NỘI

Trong thực tế, sự tôn vinh những vị tổ nghề là một việc làm phổ biến của người dân các làng nghề ở Việt Nam, ca ngợi những anh hùng lao động giỏi, tri ân đến những người đã có công gây dựng, phát triển ngành nghề. “Việc thần thánh hóa những người thợ thủ công tài giỏi, những ông tổ sư các nghề vốn là một đặc điểm phổ biến của truyền thuyết ở nhiều nước. Về ý nghĩa, nó thể hiện nguyện vọng của nhân dân muốn biểu dương, ca ngợi những thành quả lao động, lý tưởng hóa, nâng lên thành những mẫu mực đẹp đẽ. Nhưng riêng ở Việt Nam lại mang một màu sắc khác: đó là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống ghi nhớ công ơn của tổ tông, gần là ông bà, cha mẹ mình, xa hơn chung hơn là tổ tiên của dân tộc mình” (1). Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề có ảnh hưởng to lớn tới đời sống kinh tế xã hội, văn hóa của cộng đồng cư dân người Việt ở khu phố cổ Hà Nội trong xã hội truyền thống.

NHÂN TỐ TÔN GIÁO - TÍN NGƯỠNG, CỘNG ĐỒNG TRONG LỄ HỘI THỜ MẪU TỨ PHỦ Ở PHỦ DÀY

Lễ hội thờ mẫu tứ phủ là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc trưng của vùng châu thổ Bắc Bộ nước ta. Trước những biến đổi của xã hội, loại hình lễ hội độc đáo này đã chịu sự chi phối, tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó, nhân tố tôn giáo - tín ngưỡng, cộng đồng đã ảnh hướng mạnh mẽ tới bản chất, quy mô, cách thực hành nghi lễ… Và, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày, Nam Định không phải một ngoại lệ.

TỤC TỐNG ÔN CỦA CƯ DÂN HẢI THANH, TĨNH GIA, THANH HÓA

Xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia xưa thuộc tổng Duyên La, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm Duy Tân thứ 2 (1908) từ cấp phủ chuyển thành huyện trực thuộc tỉnh, huyện Ngọc Sơn đổi thành huyện Tĩnh Gia, tổng Duyên La đổi thành Tuần La, xã Hải Thanh thuộc tổng Tuần La, huyện Tĩnh Gia. Đến nay sau nhiều lần thay đổi xã Hải Thanh gồm có 7 thôn: Thượng Hải, Quang Minh, Xuân Tiến, Thanh Xuyên, Thanh Đông, Thanh Đình và Thanh Nam (1).

TỔ CHỨC XÃ HỘI LÀNG NGHỀ VẠN PHÚC THỜI PHÁP THUỘC

Hà Đông có lịch sử lâu đời, là vùng đất cổ xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Các làng xã ở Hà Đông có bề dày lịch sử, văn hóa, mang đầy đủ đặc trưng của làng Việt truyền thống. Đó là sự phân tầng đẳng cấp sâu sắc trong các bộ phận dân cư, sự tồn tại vững bền các tập tục cổ truyền, tính tự trị, tự quản lâu đời trong làng xã. Bởi vậy, diện mạo của các làng xã ở Hà Đông có thể xem là tiêu biểu, điển hình cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.