“Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới” (George D. Powers). Lịch sự là cách ăn nói hoặc cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, biết tuân theo lề lối chuẩn mực khi giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống. “Cho dù bạn là ai và bạn đang ở đâu, bạn luôn luôn là người sai nếu bạn tỏ ra thô lỗ” (Maurice Baring). Vậy nên, nếu bạn mang sự tôn trọng, chân thành và văn hóa đối đãi với mọi người, chắc chắn bạn sẽ nhận lại những điều tuyệt vời từ cuộc sống.
Ảnh minh họa
Phép lịch sự là tiêu chí đầu tiên và quan trọng để đánh giá nhân cách mỗi người. Có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lịch sự khi giao tiếp, khi tương tác xã hội giúp mỗi người trở nên thanh lịch, khiêm nhường, để lại ấn tượng đẹp trong mắt mọi người. Chúng ta được yêu mến, trân trọng. Phẩm chất, nhân cách của ta vì thế cũng trở nên rực rỡ.
Lịch sự là chất keo gắn kết tình người. Dù thân quen hay xa lạ, việc tôn trọng nhau khi giao tiếp cũng sẽ củng cố, duy trì mối quan hệ đôi bên thêm tốt đẹp, bền vững. Dù trong giao tiếp hay thực hiện bất kì công việc nào, bất kỳ môi trường nào, phép lịch sự cũng sẽ giúp chúng ta giảm thiểu sự hiểu lầm, đẩy lùi mâu thuẫn xung đột, tăng thêm sự thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực, giá trị văn hóa của xã hội.
Ai đó đã nói, nếu ta mở lòng thì thế giới quanh ta sẽ mở rộng. Phép lịch sự giúp ta không bao giờ cảm thấy lạc lõng giữa chốn đông người. Giống như một bản nhạc có nốt thăng nốt trầm, cuộc sống cũng có lúc thuận lợi, khó khăn; thành công, thất bại; sướng vui, buồn bã. Ở vào những hoàn cảnh ấy, chúng ta rất dễ có những lời nói, hành động, việc làm chưa chuẩn mực. Chúng ta cần trang bị cho mình phép lịch sự, bởi lịch sự giống như những người bạn chân thành giúp ta dễ dàng xoay chuyển tình thế, tìm kiếm được cơ hội và may mắn. Phép lịch sự cho thấy thái độ, sự hiểu biết và cách cư xử của chúng ta đối với mọi người. Đây chính là điều kiện để mỗi cá nhân tìm kiếm con đường thành công riêng, hướng đến xây dựng một xã hội nhân văn, tiến bộ, đầy lòng nhân ái.
Lịch sự là phẩm chất tốt đẹp của con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra và thực hành tốt đức tính ấy. Rất nhiều người còn cư xử thô lỗ, vô tư, vô ý tứ. Nhiều người tự cho mình quyền ăn to nói lớn, cho mình quyền tỏ thái độ cục cằn, buông ra lời lẽ tục tĩu khi giao tiếp với người khác. Nhiều người coi việc nói lời “làm ơn” “cảm phiền”, “cảm ơn”, “xin lỗi”,… là kiểu cách, thừa thãi. Họ ăn nói, đi đứng, nằm ngồi, làm việc,… một cách tự do. Nhiều người lịch sự nhưng là lịch sự theo kiểu giả tạo nhằm mục đích lấy lòng, trục lợi. Lối sống và cách ứng xử như thế khiến những con người ấy bị lên án, chê trách. Xã hội nếu ai cũng sống vô phép tắc, bất lịch sự như thế, chắc chắn sẽ không bao giờ có văn minh, tiến bộ.
Không một ai sinh ra đã là người lịch sự. Nghĩa là, mỗi người trong cuộc đời đều phải trải qua quá trình được giáo dục, học tập, rèn luyện mới có. Lịch sự là cần thiết nhưng nó phải khởi phát từ sự chân thật, chân thành và cầu thị. Có như vậy, phép lịch sự mới thực sự là tấm giấy thông hành để mỗi người đi đến mọi nơi, làm mọi điều mong muốn.
LÊ THỊ XUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024