Một số khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy ở tỉnh Quảng Nam

Tình hình tệ nạn ma túy và nghiện ma túy ở Quảng Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy ngày càng manh động, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng, sử dụng nhiều loại ma tuý tổng hợp làm mất kiểm soát hành vi, gây mất trật tự an toàn xã hội, sinh sống ở nhiều vùng, miền, tập trung vào nhóm người trẻ tuổi, đa số trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.

Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam tập huấn về công tác cai nghiện và quản lý sau cai
 

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và địa phương, tính đến ngày 31/3/2024, Quảng Nam hiện có 750 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 128/241 xã, phường, thị trấn thuộc 15/18 huyện, thị xã, thành phố đã có người nghiện ma túy (trừ huyện Tây Giang, huyện Đông Giang, huyện Nông Sơn).

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 631 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Các ngành Công an, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh đã tổ chức 8 lớp tập huấn về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc, quản lý người sau cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, với hơn 1.560 lượt người tham dự.

Đã có 81 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy,cai nghiện và quản lý sau cai, tập trung cho các đối tượng đích là người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, gia đình người nghiện và người dân ở các địa phương trọng điểm, có nhiều người nghiện, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế khó khăn được tổ chức, với hơn 15.200 lượt người tham dự.

Trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức 24 lớp tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy ở địa phương, với hơn 3.121 lượt cán bộ tham dự; tổ chức 798 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai, với hơn 64.939 lượt người tham dự; tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6; xây dựng và phát 71 bản tin, chuyên mục trên đài truyền thanh, truyền hình, lắp đặt 1.170 panô, áp phích, treo 253 băng rôn, phát hơn 7.300 tờ rơi tuyên truyền.

Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến 31/3/2024, số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh là 399 người; số người cai nghiện bắt buộc là 395 người; số người được đào tạo nghề là 69người; số người quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú là 282 người; số người được hỗ trợ dạy văn hóa; đào tạo nghề; vay vốn; tạo việc làm là 8 người.

Nhìn chung, trong thời gian, qua được sự quan tâm hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương, sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túytrên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực; người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện được tăng cường theo dõi, quản lý; công tác phối hợp tổ chức xác định tình trạng nghiện ma túy ở cộng đồng được triển khai thực hiện; nhiều người nghiện ma túy được tư vấn, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định; các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện, người sau cai nghiện ma tuý, cho cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai được tăng cường. Những kết quả trên đã góp phần kiểm soát được tình hình nghiện matúy, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy ở Quảng Nam vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Các dịch vụ về xác định tình trạng nghiện, cai nghiện ma túy trên địa bàn vẫn còn hạn chế; số lượng cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xác định tình trạng nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, người nghiện đăng ký cai nghiện bằng hình thức này chủ yếu cai thô tại gia đình, chưa được hỗ trợ về y tế, chưa theo đúng quy định; hiệu quả điều trị nghiện bằng chất thay thế Methadone mang lại chưa cao, vẫn còn tình trạng người tham gia điều trị sử dụng ma túy, bỏ liều, bỏ điều trị; quy mô tiếp nhận đối tượng và chất lượng điều trị cai nghiện của Cơ sở cai nghiện ma túy vẫn còn hạn chế.

Năng lực của đội ngũ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ở nhiều cơ sở, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng cán bộ y tế được tập huấn, cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện để thực hiện chuyên môn xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn còn ở mức thấp, một số cán bộ y tế làm công tác cai nghiện ở các địa phương chưa được tập huấn, cấp giấy chứng nhận về chuyên môn cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy; cán bộ được phân công làm công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ người nghiện, người sau cai nghiện ma túy ở các xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng.

Công tác tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về cai nghiện và quản lý sau cai ma túy chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn những sai sót, khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, khắc phục kịp thời; nhiều địa phương còn chậm trễ trong việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.

Hiệu quả công tác tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn mang lại chưa cao, kết quả thiếu bền vững; vẫn còn nhiều người nghiện, người sau cai nghiện ma túy chưa được theo dõi, quản lý, tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; tình trạng người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng bị lây nhiễm HIV/AIDS, gây mất trật tự xã hội vẫn còn diễn ra.

Các hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tinh vi, khó lường; người dùng ma túy tổng hợp, các ma túy mới, ảo giác mạnh, rối loạn hành vi, gây nguy hiểm cho xã hội ngày càng tăng, trong khi hiện vẫn chưa có phác đồ điều trị cai nghiện hiệu quả đối với những người nghiện các loại ma túy này.

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;