Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao (TDTT) trong tình hình mới, thời gian qua, Hà Nam đã tích cực triển khai nhiều mục tiêu và giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với việc thực hiện các chủ trương của Đảng về chính sách xã hội, y tế, giáo dục, trẻ em và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.`
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà tỉnh Hà Nam hướng đến là tập trung nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của mỗi cộng đồng, từng gia đình và mọi người dân trong tỉnh thông qua các hoạt động TDTT; từng bước nâng cao tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình thể thao; nâng cao thành tích thể thao, phấn đấu đạt vị trí cao ở khu vực và toàn quốc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về TDTT; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao; tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT… từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh đã tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước, các Trung tâm thể thao quốc gia, Trường Đại học TDTT để giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, công tác đào tạo VĐV, huấn luyện viên, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực đào tạo và công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu; tổ chức các hoạt động thể thao gắn với phát triển du lịch - dịch vụ.
Hệ thống thiết chế thể thao ở Hà Nam tiếp tục được đầu tư củng cố; các cơ sở hoạt động, kinh doanh về lĩnh vực thể thao như: bể bơi, phòng tập thể hình, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt… phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí và thi đấu thể thao của người dân. Sự chung tay của một số tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong thực hiện xã hội hóa TDTT góp thêm nguồn lực quan trọng vào phát triển phong trào TDTT quần chúng. Các giải thể thao phong trào có quy mô, cơ cấu giải thưởng, chất lượng và tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm có hơn 400 giải thể thao quần chúng được tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc duy trì hệ thống giải thể thao các cấp theo định kỳ, ngành VHTTDL Hà Nam còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao nhân dịp các ngày lễ, Tết, các hội thi, hội thao, các giải giao lưu văn hóa, thể thao…
Phong trào TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, công nhân, viên chức, phụ nữ và người cao tuổi luôn được quan tâm phát triển, có nhiều đổi mới theo hướng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân. Các tiêu chí về rèn luyện TDTT được chú trọng trong chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở các làng, xã. Nhờ đó, các chỉ số về TDTT gia tăng hằng năm. Đến năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 32%, gia đình thể thao đạt 24% số hộ gia đình. Toàn tỉnh có gần 1.300 câu lạc bộ TDTT và khoảng 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT hoạt động thường xuyên. Đây chính là dấu hiệu tích cực thực hiện thành công cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Các hình thức tập luyện TDTT như: đi bộ, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, chạy vì sức khỏe... cùng nhiều trò chơi thể thao dân gian như đẩy gậy, kéo co, đá cầu... được giữ gìn, bảo tồn trong các lễ hội ở làng xã, trở thành các giải thể thao quần chúng, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Các huyện, thị xã, thành phố đã hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thể thao phục vụ nhân dân đón xuân, vui Tết. Các hoạt động được tổ chức tận cơ sở và diễn ra khá sôi nổi, phong phú, qua đó đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Cũng cần phải nói thêm là một số phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tốt với tổ chức không ít giải thể thao; tập luyện, tham gia thi đấu các giải do tỉnh tổ chức và các giải thể thao tại huyện.
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong định hướng phát triển của ngành TDTT tỉnh. Toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy thể thao thành tích cao, quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện; trong đó chỉ tiêu đào tạo mỗi năm khoảng 170 vận động viên năng khiếu tập trung với 7 môn: Bơi - Lặn, Vật - Jujitsu, Bóng đá nữ, Đua thuyền, Điền kinh, Quần vợt, Taekwodo. Đây là những môn thể thao tỉnh đã và đang có thành tích ổn định tại các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia.
Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về TDTT; là sự nỗ lực của toàn ngành, cùng sự chung tay của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong việc tổ chức các hoạt động TDTT... Tất cả đã góp phần làm cho phong trào TDTT, nhất là thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh phát triển sôi động.
Hiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện. Hà Nam có tổng số 2.173 công trình đang sử dụng cho hoạt động TDTT, trong đó có 118 nhà tập luyện, nhà thi đấu; 1 Nhà thi đấu TDTT tỉnh phục vụ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, quốc tế; 1 sân vận động tỉnh; 50 bể bơi; 2.055 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời (11 sân vận động có khán đài, 64 sân vận động không có khán đài, 148 sân bóng đá mini, 293 sân bóng chuyền, 6 sân bóng rổ, 685 sân cầu lông, 27 sân quần vợt và 821 sân tập luyện, thi đấu thể thao khác). Đây chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.
Được biết, Sở VHTTDL Hà Nam đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó có Kế hoạch về việc thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Kế hoạch đề ra các nội dung trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 08- NQ/TW và Kết luận số 70-KL/TW. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phát triển TDTT. Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động TDTT. Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân, góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và quảng bá hình ảnh, vị thế, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Hà Nam trong giai đoạn phát triển mới. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của từng gia đình và mọi người dân trong tỉnh thông qua các hoạt động TDTT; từng bước nâng cao tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình thể thao; nâng cao thành tích thể thao, phấn đấu đạt vị trí cao trong khu vực và toàn quốc ở những môn thể thao có thế mạnh. Đổi mới phương thức hoạt động TDTT; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, phát triển thể thao chuyên nghiệp và kinh tế thể thao.
LÊ ANH TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024