Đồng Tháp: Phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch

Đình làng và nhà cổ là một di sản quý giá, mang giá trị văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và giá trị sử dụng, không chỉ góp phần giữ hình ảnh cổ kính mà còn là những minh chứng sống động của lịch sử, của nguồn cội mỗi người dân Đồng Tháp. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, nhằm giữ gìn và tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa của các bậc tiền nhân để lại, giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần khai thác tiềm năng du lịch phong phú của tỉnh nhà là rất cần thiết.

Đinh Thân - Đinh Yên

 

Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 96 ngôi đình làng và 76 ngôi nhà cổ, là di sản chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc, về lịch sử - văn hóa. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đình làng và nhà cổ là những nơi gieo mầm, hình thành nên “văn hóa làng, xã” - cái nôi của văn hóa truyền thống Nam Bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng vô cùng đặc sắc. Những yếu tố về nghệ thuật, cảnh quan, môi trường; văn hóa, tâm linh, kiến trúc, điêu khắc của di sản văn hóa đình làng - nhà cổ vẫn còn nguyên giá trị, có vai trò rất quan trọng đối với đời sống cộng đồng hôm nay và thế hệ mai sau.

Vì thế, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025; bảo tồn, phát huy giá trị đình làng và nhà cổ của tỉnh có chất lượng cao về văn hóa, lịch sử - gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống một cách bền vững, tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương, xây dựng thương hiệu văn hóa tại địa phương, góp phần chuyển biến về mặt nhận thức của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân đối với di sản văn hóa; góp phần tôn vinh, từng bước đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Để thực hiện hiệu quả phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện đồng loạt các nhóm nhiệm vụ như: đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 42 ngôi đình làng được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh tiêu biểu về giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 44 ngôi nhà cổ đựợc xếp di tích quốc gia, cấp tỉnh, trong Danh mục kiểm kê di tích và ngoài Danh mục kiểm kê - niên đại ít nhất từ 80 năm tuổi, có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật; thực hiện số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa đình làng và nhà cổ tiêu biểu (được quy định tại mục 1 và mục 2) bằng những bài thuyết minh, những câu chuyện… mang đậm nét văn hóa truyền thống bản địa, tạo ra sản phẩm riêng có đưa vào phục các tour, tuyến góp phần phát triển du lịch; tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích, trong đó, ưu tiên các đình làng và nhà cổ tiêu biểu, điểm di tích đang được tạo điều kiện phục vụ du lịch và có tiềm năng khai thác du lịch; khảo sát, nhận diện giá trị để bổ sung di sản văn hóa đình làng và nhà cổ vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh; lựa chọn đình làng và nhà cổ có đủ tiêu chí để lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định... Đồng thời, tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch các điểm di tích, Bảo tàng và di sản văn hóa đình làng và nhà cổ trong tỉnh với các địa phương lân cận. Tổ chức cho các đơn vị lữ hành khảo sát, tìm hiểu các di tích có tiềm năng để khai thác, phát huy sản phẩm du lịch nhằm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử các nhà cổ làm cơ sở cho việc xem xét lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; đẩy mạnh công tác giáo dục về lịch sử địa phương: tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa hay “về nguồn”, thăm và chăm sóc các di tích lịch sử - văn hóa đình làng và nhà cổ tại địa phương, kết hợp các hoạt động liên quan đến giáo dục di sản đình làng và nhà cổ như: điền dã, sưu tầm, nghiên cứu… trong học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức các sự kiện, triển lãm, trưng bày ảnh di sản; các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lồng ghép các trò chơi dân gian và công tác tuyên truyền sinh hoạt các loại hình Câu lạc bộ đình làng - nhà cổ giữa các huyện, thành phố; các hoạt động văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian; hội thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, các loại hình văn học, nghệ thuật, khai thác triệt để các tiện ích của không gian mạng, để tuyên truyền quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng và nhà cổ gắn với hình ảnh con người, văn hoá con người Đồng Tháp đến với khách du lịch.

 

NGUYỄN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;