Lễ cúng mừng năm mới của người Mông Nghệ An

Tộc người Mông còn được viết Hmôngz, H’mông, Hmông; trước đây gọi là người Mèo thuộc nhóm ngữ hệ Mông - Dao. Ở Việt Nam, người Mông sinh sống tại miền núi các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An…

Người Mông đặt chân đến đất Nghệ An cách chúng ta ngày nay khoảng 130 - 140 năm. Để vào Nghệ An, có bộ phận bà con đi qua Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; có bộ phận bà con sang Lào cư trú một thời gian rồi mới thiên di tới xứ Nghệ.

Ở Nghệ An, người Mông có khoảng 29.000 nhân khẩu, chiếm 6,8% dân tộc thiểu số toàn tỉnh, cư trú tại 3 huyện rẻo cao dọc biên giới Việt - Lào: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Trong đó, Kỳ Sơn có hơn 25.000 nhân khẩu. 5 xã nơi đây toàn người Mông gồm: Mường Lống, Huổi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn, Đoọc Mạy; 3 xã khác, cư dân người Mông chiếm phần lớn là: Bắc Lý, Na Ngoi, Mường Típ. Tại Tương Dương, người Mông cư trú trên địa bàn 6 xã: Nhôn Mai, Tam Hợp, Mai Sơn, Lưu Kiền, Xá Lượng và Hữu Khuông. Tại Quế Phong, người Mông chỉ ở hai xã Tri Lễ và Nậm Giải.

Người Mông chủ yếu sống du canh, du cư gắn với sản xuất nương rẫy, trình độ canh tác trên đất dốc cao hơn nhiều dân tộc khác, thể hiện rõ nhất trên nương định canh. Bà con trồng cây hoa màu, cây dược liệu, cây lấy sợi dệt vải. Nương du canh thường trồng lúa, ngô... Trước đây, nương du canh trồng tới 5 - 6 vụ rồi bỏ hoang, nay chỉ trồng 2 - 3 vụ. Trong canh tác, người Mông ở Nghệ An không dùng cày (khác với người Mông ở Tây Bắc Việt Nam), công cụ lao động chủ yếu là cuốc bướm tự chế với nhiều kiểu dáng khác nhau để phù hợp với vùng đất dốc. Nghề chăn nuôi của người Mông khá phát triển, nhất là nuôi lợn và ngựa. Việc thu lượm lâm sản phụ đem lại nguồn thu nhập đáng kể với những sản phẩm quý như đẳng sâm, cánh kiến đỏ, hà thủ ô, măng, nấm... Người Mông có cách tính lịch riêng nên bà con ăn Tết truyền thống sớm hơn người Kinh và các dân tộc khác chừng một tháng. Theo lịch này, mỗi tháng có 30 ngày, các tháng đều nhau, không có tháng 28, 29, 31 ngày hay tháng nhuận. Đủ 360 ngày là hết một năm. Vì thế, cứ khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi mùa màng đã kết thúc, mọi người bước vào thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hội hè thì cả cộng đồng cùng ăn Tết.

Đương nhiên, nghi lễ - tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp này là Lễ cúng mừng năm mới, trong đó quan trọng nhất là lễ cúng tổ tiên diễn ra vào ngày tất niên. Lễ cúng là không gian, thời gian con cháu dù có đi làm ăn xa cũng trở về quây quần bên gia đình, người thân để tất cả có những ngày Tết đoàn viên thật ý nghĩa! Chính vì ý nghĩa ấy mà mới đây, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị) trong các ngày từ 14-16/12/2024, đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Mông tỉnh Nghệ An đã chọn những nghi thức chính, quan yếu nhất để tái hiện Lễ cúng mừng năm mới.

Việc tái hiện bắt đầu bằng một hình ảnh rất điển hình cho sự quây quần, sum họp trong mỗi gia đình người Mông ngày tất niên là nhà nào cũng đỏ lửa. Nam giới thì cùng nhau giã bánh dày; các bà, các mẹ thì dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm lễ thắp hương; các cô gái, trẻ nhỏ chuẩn bị quần áo, váy xúng xính…

Trước khi tiến hành nghi lễ, gia chủ sẽ chuẩn bị một con gà trống và mời thầy cúng đến nhà. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, thầy cúng cất tiếng:

Osiosi, hỡi xử ka, ông bà tổ tiên! Tối hôm nay, năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến, con cháu có con gà trống, 3 cây hương, 3 gan giấy để cúng xử ka, ông bà tổ tiên, cầu nguyện cho những cái gì không tốt, khó khăn sẽ trôi theo cùng năm cũ, đừng để tai nghe mắt thấy nữa. Sang một năm mới, cầu mong xử ka, ông bà tổ tiên phù hộ, độ trì đem theo những gì tốt đẹp đến với gia đình con trong dịp này! Cầu mong tất cả mọi người trong gia đình con mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, trong năm mới mỗi công việc sẽ thuận buồm xuôi gió, an khang thịnh vượng!

Osiloitausi, xử ka, ông bà tổ tiên đến nhận gà, nhận hương hoa rồi làm Ô chê, làm trụ cột phù hộ gia đình con năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, ấm no, hạnh phúc!”.

Sau khi cúng xong, thầy cúng đưa gà cho gia chủ đi cắt tiết rồi lấy 3 chùm lông gà trên đầu dán lên bàn thờ, tiến lại bàn đặt lễ, cúng xua đuổi những cái xấu bước đi theo năm cũ, đón tài lộc và mọi điều tốt đẹp về theo năm mới.

Trước khi bắt đầu, gia chủ không quên lạy cảm ơn thầy cúng và xin thầy giúp gia đình đón tài lộc cùng mọi điều tốt đẹp. Thầy cất tiếng:

Hu ơi si, gọi mời đến các vị thần sông, suối, thần núi, các dòng họ, các bậc thầy cúng… Năm cũ đã qua đi, năm mới đã đến, hãy cho ta sức mạnh! Hôm nay, gia đình nhờ thầy cúng đến xua đuổi tà ma, xua đuổi những khó khăn, mệt mỏi, ốm đau bệnh tật, xua đuổi lời qua tiếng lại của kẻ xấu, xua đuổi sự chết chóc, xua đuổi những tiếng khóc đám ma, những chuyện buồn… Tất cả đi theo năm cũ, đi mãi không về để bước sang một năm mới đầy niềm vui, thành công trong cuộc sống!”.

Lúc này, thầy nhảy lên ghế hai lần rồi tiếp tục sự trang nghiêm, thành kính:

Hu ơi si, một lần nữa gọi mời đến các vị thần sông, suối, thần núi, các dòng họ, các bậc thầy cúng… Năm mới đã đến, hãy cho ta sức mạnh để ta đón tài đón lộc, đón vía của gia đình theo năm mới về, để gia đình từ nay về sau ăn không phải lo, con cháu mạnh khỏe, làm ăn đi ngược về xuôi phát đạt, gặp nhiều may mắn trong năm mới!”.

Sau khi thầy cúng xong, cũng là lúc gia chủ đã chuẩn bị sẵn một mâm gồm gà luộc, trứng, cơm để thầy bắt đầu gọi vía toàn thể gia đình, gọi lộc gọi tài, gọi vía trâu bò cùng về theo năm mới:

Hôm nay là ngày tốt lành, năm cũ đã qua, năm mới đã đến, có mâm gà, trứng gọi mời hồn, vía của cả gia đình từ người già, trẻ nhỏ, người lớn trong gia đình ai có đi nhầm đường, mải chơi ở trong rừng, ngoài khe suối, bên đường, đi thấy cái đẹp ở miền xuôi, miền ngược mà chưa về thì hôm nay tất cả mọi người hãy cùng về với năm mới!

Năm mới đến rồi, hãy về mà mặc đồ mới, ăn cơm, uống nước mới, chơi xuân! Ông về thì gọi bà, chồng về thì gọi vợ, vợ về thì gọi con cái, cháu chắt, gọi lộc tài, gọi vía trâu bò, lúa ngô… về cùng năm mới, về sung đầy hạnh phúc: ăn uống không hết, trăm năm không đau ốm, mọi việc thuận lợi, gia đình bình an!”.

Sau khi gọi vía xong, gia chủ mời thầy cúng xem chân gà và đầu gà vì đồng bào Mông quan niệm: mọi điều đều được thể hiện trên chân gà và đầu gà. Xem để biết vía của gia đình đã về hay chưa? Xem xong, thầy cúng sẽ nói câu cuối cùng trong phần nghi thức cúng mừng năm mới:

Qua xem chân gà, đầu gà, mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến trong năm mới này: cả gia đình mạnh khỏe, không ai đau ốm, tài lộc sẽ về đầy nhà. Từ nay, gia đình ta sẽ không phải lo lắng, vất vả, mệt mỏi nữa! Năm mới này gia đình ta an khang thịnh vượng. Chơi xuân đi nào!”.

Lời cuối của thầy trong Lễ cúng mừng năm mới của đồng bào Mông ở Nghệ An cũng chính là sự mở đầu cho những trò chơi như chọi trâu, chọi gà, ném pao, múa khèn và hát cự xỉa, hát đối đáp giao duyên nhằm xua đi bao khó khăn, mệt mỏi, nhọc nhằn của năm cũ. Tất cả như được tiếp thêm một luồng sinh khí, sinh lực, cùng nhau vui chơi, hát ca, đón mừng năm mới an khang thịnh vượng!

________________

Ảnh trong bài: Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Mông ở Nghệ An tái hiện Lễ cúng mừng năm mới của dân tộc mình trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị (12/2024). Ảnh: Tuấn Minh

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024

;