Đệ nhất trung thần tiết nghĩa Vũ Duệ

Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ tại làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ- Ảnh: Báo Phú Thọ

 

Vũ Duệ (1468-1522) là người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây nay thuộc làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, đối đáp lưu loát. Khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Trạng nguyên lúc 22 tuổi, cùng khoa với Ngô Hoán (đỗ Bảng nhãn) và Lưu Thư Ngạn (đỗ Thám hoa). Sử sách nước nhà còn ghi rõ về kỳ thi tháng tư năm ấy: “Vua thân ra đầu đề văn sách. Sai Thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và Thượng thư Hình bộ Lê Năng Nhượng làm đề điệu; Phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm giám thí; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Thượng thư Lại bộ Nguyễn Bá Kỳ làm độc quyển. Vua xem quyển thi, xếp thứ bậc cao thấp, cho bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 715).

Chỉ một tháng sau, ngày 18 tháng 5 “vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Vũ Duệ; các quan mặc triều phục chúc mừng; bộ Lễ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 19, ban mũ đai, y phục. Ngày 20, ban yến” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 715).

Đời làm quan của Vũ Duệ dài hơn 30 năm, qua nhiều đời vua. Theo Phan Huy Chú thì sinh thời, Lê Thánh Tông có lần nói với thị thần “Ngày sau nước nhà có biến cố, hẳn người này đương nổi” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 403). Khi Lê Thánh Tông mất, Lê Hiến Tông lên nối ngôi, ông giữ chức Tản trị thừa tuyên sứ ty, tham chính xứ Hải Dương.

Năm 1520 đời vua Lê Chiêu Tông, ông giữ chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầụ, và được ban phong là Trinh ý công thần.

Một năm sau đó (tháng 4 năm 1521), ông nhận lệnh soạn bi ký khoa thi năm Giáp Tuất, Hồng Thuận thứ 6 (1514).

Tháng 8 năm Quang Thiệu thứ 7 (1522), trong bối cảnh nền chính trị nước nhà có nhiều rối ren, đến cả vua Lê Chiêu Tông cũng tự thấy mình khó giữ được ngôi báu và tính mạng đã chạy ra khỏi kinh thành Thăng Long, kêu gọi quan quân các trấn hợp sức đánh Mạc Đăng Dung. Trước tình hình đó, họ Mạc đưa em của Lê Chiêu Tông (hoàng đệ Lê Xuân) lên làm vua, giáng Chiêu Tông xuống làm Đà Dương vương. Khi Chiêu Tông buộc phải về Thanh Hóa, “Vũ Duệ và Lại bộ Thượng thư là Ngô Hoán cùng môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc môn đồ thống suất hương binh đi theo vua, đến Thanh Hóa đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng rồi tự vẫn cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.90).

Cái chết của Vũ Duệ là cái chết của một người tiết nghĩa, mở đầu cho cả một phong trào phản kháng Mạc Đăng Dung sau đó nhiều năm. Không phải ngẫu nhiên mà đến năm Bính Ngọ (1666) đời vua Lê Huyền Tông, khi nhà Lê đã giành lại được giang sơn, triều đình bàn luận công lao, Vũ Duệ chính là người đứng đầu 13 công thần tử tiết. Ông được truy phong làm Thượng đẳng phúc thần, được dân làng Trình Xá quê hương tôn làm thành hoàng làng…

Vua Tự Đức thời Nguyễn từng có thơ vịnh về Vũ Duệ rằng: “Thuần mỹ cô ngâm khốc tịch dương/ Nan tương bút lực cự phong mang/ Chính quan nhất bái Lam Sơn hạ/ Thiểu đáp trù tri tinh tự chương” [(Thuần mỹ riêng ngâm khóc tịch dương/ Khôn đem ngòi bút chống phong mang/ Áo khăn bái tạ Lam Sơn điện/ Tên họ nào hay được vẻ vang), Thơ văn Tự Đức, tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1996, tr. 355].

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;