Có những vùng đất mới nghe tên đã gây ấn tượng, đến thăm một lần mà nhớ mãi - tôi muốn nói đến Chí Tiên, Thanh Ba. Khi tìm hiểu nét đặc sắc văn hóa dân gian vùng Đất Tổ, những câu thơ của nhà thơ Huy Cận trong bài Đêm mưa rừng cọ cứ gợn mãi trong tâm trí tôi thật da diết, thân thương, gợi nhớ một miền quê như trong cổ tích:
Rừng cọ đêm mưa, đất cổ xưa
Hoa Ngâu thơm ngát tự bao giờ?
Cha ông đã ở mùa hương ấy
Thơm đến ngày nay, mỗi giọt mưa
Chí Tiên cho tôi những xúc cảm rất đặc biệt về dấu tích văn hóa dân gian trên nhiều lĩnh vực: từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể; từ con người với tính cách hồn hậu, chân thực, thương người như thể thương thân, đến cách ứng xử nhân văn với môi trường sống; rồi lời ăn tiếng nói dịu dàng, động viên nhau vươn lên, đặc biệt là ý chí vươn lên trong cuộc sống một cách đàng hoàng, mạnh mẽ kiểu “Đàn anh Chí Chủ”.
Theo các nhà khảo cổ học, hơn một vạn năm trước đây, vùng đất Thanh Ba đã là nơi cư trú của người nguyên thủy với nhiều dấu tích của nền văn hóa Sơn Vi được phát hiện ở núi Thắm, Thanh Hà. Dưới thời Hùng Vương, cư dân nơi đây đã thành thạo nghề nông, nghề thủ công với các công cụ bằng đồng tinh xảo. Thanh Ba nằm ở trung tâm nước Văn Lang. Theo hệ thống văn hóa dân gian chủ đề các vị Cao tổ, đất Hùng Vương có 3 khu vực văn hóa dân gian là: khu vực Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Lâm Thao), khu vực Thánh Tản Viên (Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê) và khu vực Hai Bà Trưng (Tam Đảo, Vĩnh Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Thanh Ba thuộc khu vực Hùng Vương, là vùng đất cổ xưa của đất Tổ, mang trong mình những nét đặc trưng nhất của văn hóa dân gian cội nguồn dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân gian được lưu truyền qua trình diễn và trí nhớ các thế hệ, nó không được ghi bằng các văn bản và là tài sản chung của cả cộng đồng. Chí Tiên là vùng đất trung tâm của huyện Thanh Ba, vì thế mang trong mình đầy đủ những nét cơ bản của văn hóa dân gian và cả những gì độc đáo, đặc sắc riêng có của vùng đất ven sông với đầy đủ đồng bãi, đồi, gò, vùng dộc trũng, vùng đất thuận tiện giao thương bằng đường thủy dễ tiếp nhận những cuộc chuyển cư của người dân vùng xuôi, vùng quê khác lên sinh sống. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời gian, con người nơi đây có sự hòa quyện, thích nghi với môi trường sống. Văn hóa làng xã, văn hóa dân gian cũng vì thế có sự đan cài giao lưu không dễ tách bạch. Những gì là tinh hoa được cô đúc, phát triển gắn chặt trong đời sống văn hóa tinh thần của làng xã.
Xã Chí Tiên nay là Chí Chủ và Tiên Châu xưa hợp thành, nằm ở tả ngạn sông Hồng, nơi được gọi là sông Thao - bao đời nay được bồi đắp phù sa, tạo nên một vùng đất trù phú, phong cảnh hữu tình trên bến dưới thuyền. Xã Chí Chủ xưa có 3 làng với tên gọi : làng Đò, làng Bến, làng Sóng; mỗi làng đều có ngôi đình gọi theo tên làng. Đình làng Đò thờ thành hoàng Hà Mạnh Chế, đình làng Sóng thờ thành hoàng làng Khởi Quang Minh. Đình làng Bến thờ thành hoàng làng là Đào Tướng quân, “Đại vương thần Cao Sơn”. Xã Chí Chủ có một ngôi đình Trung (còn gọi là đình Cả) đặt ở làng Bến. Về sau dân đông, xóm làng phát triển các phe, giáp xây dựng thêm các đình, miếu có đến 11 đình lớn nhỏ, phải kể đến đình Hậu, đình Phe, đình Dâu, đình Trũ… Đặc biệt, có một ngôi chùa lớn là Long Khánh (còn gọi là chùa Chủa) được xây dựng từ thế kỷ XVII, có rất nhiều tượng bụt. Các cụ cao niên kể lại chùa này có tới 123 pho nên có câu ca “Chùa So, Bụt Chủa” nghĩa là chùa làng So Sen (nay là xã Ninh Dân) là ngôi chùa nổi tiếng nhất thời đó, còn tượng Phật thì chùa ở Chí Chủ là nhiều hơn cả. Một điều rất đáng quý tại chùa Long Khánh là dẫu trải qua biến cố lịch sử, thăng trầm, chùa vẫn còn lưu giữ được quả chuông lớn đúc từ năm 1683 đời Vua Chính Hòa năm thứ tư với bài Minh văn khắc trên mặt chuông rất nổi tiếng: “Từng nghe dân lành đội ơn trời đất, được đấng thánh hiền che chở, cuộc sống đã ngày càng tốt đẹp hơn xưa. Dân lành vốn tin Phật từ bi, ngày càng cầu kinh niệm Phật, nguyện tu tâm, tích đức và làm nhiều việc thiện để lại cho muôn đời con cháu về sau. Nay đúc quả chuông lớn cũng là việc phúc, việc thiện nên làm, để lại dấu ấn cho xã nhà lưu truyền cho muôn đời sau này và cũng là tiếng thơm trong thiên hạ. Thật đúng là năng tích thiện thì thiện đến nhà, năng tích phúc thì phúc tại gia…”. Ngôi chùa rất cổ tên gọi Thiền Lâm, được dựng từ đầu Công nguyên, đã qua nhiều lần tu bổ, xây dựng lại. Cuốn Ngọc phả còn lưu giữ tại đền Du Yến ghi lại chi tiết thân mẫu bà Nguyễn Thị Hạnh, một nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng được Trưng Trắc phong “Trưởng lĩnh tiền quân”, là người theo đạo Phật, ăn ở hiền lành nhưng tuổi đã cao mà chưa có con, ông bà cầu tự ở chùa Thiền Lâm. Một buổi sáng sớm ngày rằm tháng Giêng, bà đi lễ chùa, ra về đến cổng chùa thì chuyển dạ giữa lúc trời mưa to gió lớn, sấm chớp liên hồi, bà sinh ra bé gái trên tảng đá lớn ở cổng chùa. Sau này, ông bà đặt tên là Nguyễn Thị Hạnh. Người con gái lớn lên rất xinh đẹp, văn võ toàn tài, thích ăn chay. Năm bà 29 tuổi, theo lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, bà chiêu tập binh mã, hội quân dưới trướng Hai Bà đánh giặc Tô Định nhà Đông Hán. Sau khi đuổi được quân xâm lược, Hai Bà Trưng phong cho bà Nguyễn Thị Hạnh là Ngọc Loan công chúa giữ lại trong cung, một thời gian sau bà xin phép Hai Bà Trưng về thăm cha mẹ và bà con dân làng Tiên Châu. Bà cho làm Hành cung trên đồi Bạch Hổ, khao thưởng dân làng. Sau khi bà hóa, dân làng đã lập đền thờ Du Yến để tưởng nhớ công ơn bà, người con ưu tú của đất Tiên Châu. Các đời vua đã phong bà là Quốc Mẫu Đại Vương. Hiện nay, đền Du Yến xã Chí Tiên còn lưu được 18 đạo sắc phong. Năm 1993, đền Du Yến được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, được đầu tư tôn tạo khang trang. Hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, lễ hội Đền Du Yến tổ chức lễ hội truyền thống rất trọng thể để tưởng nhớ và biết ơn công lao đánh giặc cứu nước của bà từ những năm đầu Công nguyên.
Trên vùng đất Chí Tiên còn những lễ hội truyền thống được tổ chức với nhiều trò diễn, hội làng đặc sắc như lễ hội Giằng búa vật trâu ở đình Chí Chủ, múa Cánh Tiên lễ hội đình Du Yến, các lễ hội đều được gắn với di tích lịch sử. Ở góc độ văn hóa dân gian, nhiều lĩnh vực khác như ẩm thực, tri thức dân gian, lễ thức trong sinh hoạt xã hội và gia đình, tục ngữ ca dao dân ca, truyện kể dân gian của huyện Thanh Ba có thể dễ tìm thấy trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Chí Tiên. Không những vậy chúng ta còn thấy được những nét rất đặc sắc, dấu tích văn hoá dân gian qua một số loại hình diễn xướng dân gian, dân vũ, văn hoá ẩm thực, phương ngôn, ca dao, tục ngữ ở vùng đất này. Thí dụ, việc canh tác chè ở Chí Tiên thời vụ, kỹ thuật trồng chè ngày xưa được thể hiện rất rõ qua câu ca dao: Nhìn đồng bông lúa uốn câu/ Cuốc đồi, bổ hố, bảo nhau trồng chè; Trước là đánh gốc bốc chà/ Đánh gốc cho sạch, bốc chà cho quang. Hay như câu ca dao: Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén, xanh cây thì về; một số câu ví đồi chè nói về sinh hoạt, giao lưu của những người trồng chè rất tế nhị, đằm thắm: Lạ lùng ta mới tới đây/ Thấy chè thì hái biết cây ai trồng; Cách núi trông chẳng thấy đồi/ Biết rằng anh đứng hay ngồi ở đâu; Thấy nàng thoăn thoát hái chè/ Anh đây nhất quyết tìm nàng chơi xuân; Vì chàng em mới tới đây/ Vì gốc chè mạn vì cây chè đồi; Khi xưa anh đứng em ngồi/ Thiên hạ hàng xứ đồn đôi vợ chồng…
Đến thăm vùng đất Chí Tiên, ta dễ nhận ra con người nơi đây rất cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất và cũng rất tế nhị, đằm thắm thủy chung trong quan hệ bầu bạn, hàng xóm, láng giềng, trong tình yêu nam nữ. Câu phương ngôn: “Đồ Lương Lỗ, cỗ Phao Thanh, các bủ Yên Lành, đàn anh Chí Chủ” đã nói hộ điều đó. Nơi đây có nhiều người học hành giỏi giang, thành đạt. Họ biết vượt qua nhiều khó khăn kiên trì mục đích hiếu học thành tài với tâm thế rất đàng hoàng, đĩnh đạc. Làng Chí Chủ xưa có nhiều danh tướng đã phụng sự triều đình, giúp vua chống quân xâm lược như vị tướng Khởi Quang Minh, các vị đại thần Hà Mạnh Chế, Đào Tướng quân. Các vị này đều được các triều vua phong sắc. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX, ở Chí Chủ có 4 ông là Chánh Tứ, Đốc Hậu, Cử Cắng, Kình Cồ vâng chiếu của nhà vua yêu nước Hàm Nghi lập đội nghĩa binh xây căn cứ Gò Dùng chiến đấu nhiều năm với quân Pháp; các ông lần lượt hy sinh vì nước, ông Cử Cắng hy sinh cạnh Cống Sấu Hạ Mạo, căn cứ Gò Dùng bị quân Pháp triệt hạ năm 1892. Đầu thế kỷ XX, một số nhà nho yêu nước ở Chí Chủ tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục do nhà chí sỹ Phan Bội Châu lãnh đạo. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người con ưu tú của quê hương Chí Tiên phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của cha ông, đã anh dũng lên đường chiến đấu lập nhiều chiến công.
Hôm nay, trở lại Chí Tiên - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cảnh sắc đã đổi thay nhiều, một vùng trù phú với những con người cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, họ đang từng ngày từng giờ làm cho quê hương giàu đẹp hơn. Có lẽ không quá lời khi nói suốt chiều dài kiến thiết vùng quê ấy, mạch nguồn văn hóa cội nguồn luôn là ngọn suối mát lành như những dải phù sa màu mỡ bồi đắp để Chí Tiên hôm nay vững bước đi lên trỏ thành một vùng quê đáng sống.
TRẦN VĂN QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024